TIN TỨC
Tin mới nhất
4 Khách hàng của Baokim lọt Top 10 Công ty bán lẻ uy tín 2023
Ngày 22/9/2023, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2023. Theo đó, FPTRetail, MediaMart, Di Động Thông Minh, Hoàng Hà Mobile - Đối tác của Baokim đã lọt Top 10 trong Nhóm Điện máy, điện lạnh, thiết bị số, sách báo, văn phòng phẩm. Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2023 được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 8/2023. Danh sách 1: Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2023 - Nhóm Siêu thị, tổng hợp Danh sách 2: Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2023 – Nhóm Điện máy, điện lạnh, thiết bị số, sách báo, văn phòng phẩm Danh sách 3: Top 5 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2023 – Nhóm Kim hoàn Bán lẻ theo sát nhịp chuyển động của kinh tế vĩ mô Diễn biến đồng pha với đà tăng trưởng chậm của kinh tế vĩ mô, kể từ quý IV/2022 đến nay, thị trường bán lẻ Việt Nam đã trải qua những tháng ảm đạm. Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành chịu áp lực nặng nề từ sức cầu yếu do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình xuất khẩu khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ, cộng hưởng với gánh nặng từ môi trường lãi suất cao và tín dụng thắt chặt bởi các công ty tài chính tiêu dùng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tiêu dùng cuối cùng nửa đầu năm 2023 chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước (trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1%). Thêm vào đó, mức độ cạnh tranh của các nhà bán lẻ diễn ra mạnh mẽ và liên tục trong suốt 2 quý đầu năm 2023 qua những cuộc đua hạ giá, giành thị phần càng siết chặt đáng kể tỷ suất lợi nhuận của các nhà bán lẻ. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.175,5 nghìn tỷ đồng và ghi nhận mức tăng trưởng dương (+8,7% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng doanh thu 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước của giai đoạn trước COVID-19, từ năm 2015-2019. Hình 1: Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đầu năm giai đoạn 2015-2023 Nguồn: Vietnam Report tổng hợp dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Bước sang những tháng cuối năm 2023, song hành với những tín hiệu khả quan, tháng sau tích cực hơn tháng trước của nền kinh tế, hai phần ba số doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng rằng tình hình thị trường bán lẻ sẽ phần nào có cải thiện hơn so với nửa đầu năm, dù sự phục hồi chưa thực sự rõ rệt và tốc độ khá chậm chạp. Trong khi đó, một phần ba số doanh nghiệp còn lại có góc nhìn tiêu cực hơn cho rằng, với dư âm tiêu cực của giai đoạn tiêu thụ yếu và thị trường có nhiều yếu tố bất lợi, khó khăn sẽ dai dẳng. Do đó, sự phục hồi cần nhiều thời gian hơn và nhiều khả năng sang nửa cuối năm 2024 mới quay trở lại bình thường. Thời gian cũng là một yếu tố quan trọng liên quan đến sự dịch chuyển góc nhìn của người tiêu dùng về tình hình tài chính của bản thân. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, phần lớn người tiêu dùng bày tỏ niềm tin rằng sự bất ổn kinh tế và các tác động tương ứng đối với thị trường việc làm sẽ tồn tại trong thời gian ngắn và sự phục hồi dần rõ rệt theo thời gian. Tỷ lệ người tiêu dùng kỳ vọng tình hình tài chính từ nay đến cuối năm sẽ khả quan hơn đạt 68,8% và con số này tăng lên đến 88,0% khi đánh giá về bức tranh tài chính 12 tháng tới. Hình 2: Góc nhìn của người tiêu dùng về tình hình tài chính của bản thân Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát người tiêu dùng ngành bán lẻ, tháng 8/2023 Làn gió thuận - nghịch trong những tháng cuối năm Trong phần còn lại của năm, nhìn chung, các áp lực đối với doanh nghiệp bán lẻ khá tương đồng với nửa đầu năm đã qua. Câu chuyện sức mua yếu và những ảnh hưởng tiêu cực từ sự trì trệ của nền kinh tế chưa thể một sớm một chiều được giải quyết và tiếp tục là hai mối lo chính với sự đồng thuận của lần lượt 100,0% và 92,9% số doanh nghiệp. Trong khi đó, sức nóng từ môi trường cạnh tranh gay gắt trong ngành thể hiện qua các cuộc chiến giá nửa đầu năm dù có dịu bớt trong nửa cuối song vẫn thuộc top 3 thách thức lớn nhất được doanh nghiệp điểm tên. Diễn biến trên thị trường cho thấy, sức ép lên tỷ giá gia tăng trong thời gian gần đây, với tác động từ sự ngược chiều của chính sách tiền tệ trong và ngoài nước cũng như thanh khoản tiền đồng dư thừa do tăng trưởng tín dụng yếu. Trước tình trạng này, 42,9% số doanh nghiệp bán lẻ bày tỏ lo lắng và nhận định biến động tỷ giá là khó khăn lớn ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, biến động tăng cao đột ngột của thị trường ngoại hối được dự báo chỉ mang tính chất ngắn hạn. Chênh lệch lãi suất nội - ngoại tệ sẽ dần thu hẹp khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bước vào gần cuối chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và các yếu tố nội tại của Việt Nam như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tăng trưởng tương đối ổn định (mức vốn đầu tư thực hiện trong 8 tháng đầu năm 2023 tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022), cán cân thương mại hàng hóa từ đầu năm đến nay ước tính xuất siêu 16,26 tỷ USD và tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh những tháng cuối năm, trong bối cảnh sản xuất dần phục hồi. Dù vẫn có những lo lắng nhất định về rủi ro lạm phát, chi phí lãi vay, chi phí vận hành cao hay lượng hàng tồn kho lớn nhưng tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá đây là những thách thức lớn nhất phải đối mặt trong nửa cuối năm giảm so với 6 tháng đầu năm. Điển hình là áp lực từ chi phí lãi vay cao và tồn kho lớn so với cùng kì được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ lắng xuống trong hai quý cuối năm, nhờ các điều kiện kinh tế vĩ mô dần cải thiện khi nhiều quyết sách được đưa ra để kích thích nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ cũng như người tiêu dùng. Hình 3: Top 6 khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ trong năm 2023 Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ, tháng 8/2023 Có thể nói, lực đẩy từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là một trong những cơ sở quan trọng cho kỳ vọng vững vàng vượt qua thời điểm khó khăn, đưa tỷ suất lợi nhuận sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023 của các doanh nghiệp bán lẻ. Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 có thể giúp khôi phục dần tín dụng tiêu dùng sau khi nợ xấu được kiểm soát cũng như giảm một phần áp lực vay nợ của các doanh nghiệp ngành bán lẻ trong nửa cuối năm 2023. Cùng với đó, chính sách tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ ngày 01/7/2023 và giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% góp phần tăng sức cầu nền kinh tế, qua đó tác động trực tiếp đến doanh số kỳ vọng của các doanh nghiệp bán lẻ thời gian tới. Doanh nghiệp sẽ giảm bớt áp lực tăng giá hàng hóa, đồng thời gia tăng sức mua của khách hàng. Ngoài ra, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dần hạ nhiệt tại Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, gánh nặng tiêu dùng sẽ không chỉ được giải tỏa tại thị trường này mà tác động lan tỏa toàn cầu. Các đơn hàng mới từ thị trường xuất khẩu chính được kỳ vọng tăng tốc từ nửa cuối 2023 sẽ giúp giảm bớt lo ngại về lạm phát, thất nghiệp và kinh tế suy thoái, từng bước ổn định thu nhập và đưa Việt Nam bước vào chu kỳ tiêu dùng mới. Bên cạnh đó, mùa mua sắm cuối năm cũng sẽ kích thích nhu cầu mua sắm sôi động của người tiêu dùng, giúp các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ cải thiện bức tranh kinh doanh và có thể lấy lại đà tăng trưởng. Xét về trung và dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một thị trường có sức hấp dẫn lớn và nhiều tiềm năng phát triển. Quy mô thị trường hiện lên tới 142 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD trong vài năm tới. Sự trở lại của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm nay và xu hướng ngày càng tăng trong tương lai sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành bán lẻ. Một điều kiện thuận lợi khác là Việt Nam đang ở thời kỳ đỉnh cao của lợi tức nhân khẩu học. Dân số đông và trẻ với 100 triệu dân, quy mô dân số đứng thứ 15 thế giới, cơ cấu dân số ở độ tuổi vàng, với trên 60% nằm trong độ tuổi lao động, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đang thúc đẩy tầng lớp tiêu dùng trong những năm gần đây. Nhìn chung, về dài hạn, dư địa phát triển của ngành bán lẻ sẽ ngày càng rộng lớn. Nền kinh tế đang phát triển, dân số lớn và ưa thích kết nối, quá trình đô thị hóa, thu nhập trung bình ngày càng tăng và mức sống cao hơn chính là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ Việt Nam. Khuynh hướng tiêu dùng Trong bối cảnh thị trường đang vận động theo hướng thuộc về người mua, bất kỳ “nước cờ” nào của các doanh nghiệp bán lẻ cũng đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về chuyển dịch trong xu hướng hành vi của người tiêu dùng và khả năng xác định nhạy bén các xu hướng mới. Trong khi đó, biến động về điều kiện kinh tế - xã hội trong và ngoài nước giai đoạn vừa qua, cùng với tốc độ nhanh và mạnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự thay đổi về nhân khẩu học của tầng lớp tiêu dùng tạo nên nhu cầu ngày càng mở rộng và đa dạng, có thể kéo theo những tác động lớn đến cơ cấu hàng hóa tiêu dùng và ngành bán lẻ. Top 5 ưu tiên của người tiêu dùng khi lựa chọn nơi mua sắm Hình 4: Top 5 ưu tiên của người tiêu dùng khi lựa chọn nơi mua sắm Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát người tiêu dùng ngành bán lẻ, tháng 8/2023 Sự gia tăng áp lực tài chính thời gian qua đã thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm có chọn lọc hơn, áp dụng nhiều chiến lược khác nhau để tiết kiệm chi phí, song lý trí hơn trong việc đánh đổi giữa giá cả và các thuộc tính khác của sản phẩm. Kết quả khảo sát người tiêu dùng được thực hiện vào tháng 8 năm 2023 của Vietnam Report cho thấy khía cạnh về chất lượng sản phẩm (53,4%), sự đa dạng hàng hóa (47,2%) và danh tiếng của các nhà bán lẻ (41,5%) là những ưu tiên hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn nơi mua hàng, theo sau là các chương trình ưu đãi (37,3%) và vị trí địa lý của cửa hàng (34,7%). Thực tế, ở bất kỳ thời điểm nào, giá cả luôn là mối bận tâm của người tiêu dùng. Trong các giai đoạn khó khăn, yếu tố giá cả càng được chú trọng và là vấn đề nhạy cảm với sức mua. Không những thế, với việc ngày càng có nhiều lựa chọn, người tiêu dùng không chỉ so sánh giá của các sản phẩm khác nhau mà còn tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất từ nhiều cửa hàng khác nhau và trên các kênh mua hàng khác nhau. Do đó, dù không là ưu tiên số 1 nhưng việc có nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mại, hỗ trợ người tiêu dùng vẫn nằm trong top 5 các ưu tiên khi lựa chọn nơi mua sắm của khách hàng. Với ý thức rõ hơn về giá trị, người tiêu dùng ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm, từ công dụng, nguồn gốc, hạn sử dụng hay độ an toàn… để đảm bảo nhận được giá trị tốt nhất cho số tiền mình bỏ ra. Bên cạnh đó, cung cấp đa dạng hàng hóa đã trở thành một yếu tố gây dựng sức cạnh tranh mạnh mẽ của doanh nghiệp bán lẻ, thông qua việc cho phép người tiêu dùng tìm kiếm và so sánh các sản phẩm để tìm ra sự lựa chọn phù hợp nhất với nhu cầu và sở thích của mình. Đáng chú ý, so với kết quả khảo sát năm 2022, yếu tố liên quan đến danh tiếng và hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp bán lẻ đã gia tăng sức ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn nơi mua sắm của người tiêu dùng khi tỷ lệ khách hàng đặt ưu tiên cho khía cạnh này tăng mạnh từ 11,1% lên 41,5%. Người tiêu dùng tin tưởng và ưu tiên mua sắm ở những nơi có độ phủ thương hiệu lớn, nổi tiếng trong ngành, danh tiếng tốt về chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng, và đạo đức kinh doanh, được thể hiện qua nhiều kênh, chẳng hạn như các chứng chỉ chất lượng, đánh giá tích cực từ khách hàng trước đó… Ngoài ra, địa điểm gần nhà/nơi làm việc và thuận tiện đi lại là ưu tiên quan trọng của người tiêu dùng khi lựa chọn nơi mua sắm vì mang lại sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, cũng như cơ hội kiểm tra sản phẩm trực tiếp trước khi mua. Mua sắm đa kênh và cuộc cách mạng thương mại xã hội Một điểm đáng chú ý khác là người tiêu dùng ngày càng phát triển thói quen mua sắm đa kênh linh hoạt và mong đợi sự nhất quán và liền mạch giữa trải nghiệm trực tuyến và tại cửa hàng. Trong khi khách hàng có nhu cầu cảm nhận, kiểm tra trực tiếp và sở hữu nhanh chóng sản phẩm cũng như tương tác, kết nối với xã hội và cảm nhận không gian công cộng, họ cũng bị thu hút bởi sự thuận tiện trong việc tiếp cận đa dạng hàng hóa và linh hoạt thời gian… mà mua sắm trực tuyến mang lại. Mối tương quan trực tiếp giữa sự hiện diện thực tế và kỹ thuật số của nhà bán lẻ được phản ánh khi ngày càng nhiều người tiêu dùng cho biết họ đã từng trải nghiệm mua sắm trực tiếp tại cửa hàng thực tế của một thương hiệu và sau đó truy cập vào website hoặc kênh bán hàng online của thương hiệu đó và ngược lại. Điều nay khá tương đồng với một nghiên cứu của ICSC cho rằng thương mại điện tử và bán lẻ tại cửa hàng bổ sung cho nhau và thường tạo ra “hiệu ứng hào quang”. Cụ thể, việc mở một cửa hàng thực tế mới tại một thị trường giúp tổng lưu lượng truy cập vào trang web của nhà bán lẻ đó tăng trung bình 37% và tăng tỷ lệ lưu lượng truy cập web trong thị trường đó lên trung bình 27%. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng đánh giá cao các cửa hàng bán lẻ cho phép đặt hàng trực tuyến và sau đó nhận tại cửa hàng trực tiếp. Xét riêng về kênh mua sắm trực tuyến, rõ ràng, với tỷ lệ người sử dụng Internet tăng lên đến mức 79,1% dân số, trung bình mỗi người dành hơn 6 tiếng theo dõi nội dung trên mạng (theo báo cáo Digital 2023: Vietnam), không khó để lý giải sự phát triển ấn tượng của kênh bán hàng này. Khi phân tích thứ tự ưu tiên đối với kênh mua hàng theo danh mục sản phẩm, thương mại điện tử đã tạo được sự thu hút mạnh mẽ và thậm chí nhỉnh hơn về tỷ lệ người tiêu dùng ưa thích, trong các danh mục thiết bị số (67,9%), Thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng nhanh (54,9%) hay sách báo, tạp chí, văn phòng phẩm (52,8%). Trong khảo sát của Vietnam Report năm ngoái, phần lớn chuyên gia đã đưa ra nhận định mua/bán hàng trực tuyến trên các kênh truyền thông xã hội (social commerce) sẽ mang đến luồng gió mới cho toàn ngành bán lẻ. Thực tế, xu hướng này đã thể hiện rõ nét trong năm nay. Với lợi thế giao thoa giữa nội dung giải trí và yếu tố thương mại, mạng xã hội được xem như cuộc cách mạng hóa trong việc kết nối với khách hàng và trở thành phương thức để quảng bá và bán sản phẩm/ dịch vụ trực tiếp. Từ bước khám phá sản phẩm thông qua quảng cáo, bài viết, livestream, đánh giá (review)…, trên các trang thương mại xã hội, người tiêu dùng có thể ngay lập tức mua một món đồ mà bản thân cảm thấy hứng thú và bỏ qua bước chuyển sang các nền tảng khác. Do đó, hành trình mua sắm của người tiêu dùng trở nên ngắn, thuận tiện và hấp dẫn hơn. Đặc biệt, với tính phổ biến rộng rãi của các trang mạng xã hội đối với tầng lớp “công dân thế hệ số” - những người sinh trong giai đoạn 1980-2012, gồm Thế hệ Y và Thế hệ Z, tiềm năng của thương mại xã hội còn rất lớn và có thể sẽ tạo nên một bức tranh rất khác biệt cho ngành bán lẻ khi nhóm đối tượng này dự kiến sẽ chiếm khoảng 40% tổng tiêu thụ của Việt Nam vào năm 2030. Chiến lược thích ứng Theo guồng quay nhanh của môi trường kinh doanh với tác động mạnh mẽ từ những tiến bộ công nghệ, gia tăng cạnh tranh, bùng nổ dữ liệu và thị hiếu mới của khách hàng, doanh nghiệp bán lẻ cũng chủ động có những động thái xoay trục chiến lược để thích ứng và thay đổi với xu thế thời cuộc, sự thay đổi về thói quen và văn hóa của người tiêu dùng. Hình 5: Top 6 chiến lược trọng tâm của doanh nghiệp bán lẻ trong năm 2023 Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ, tháng 8/2023 Với mục tiêu củng cố vị thế của chuỗi bán lẻ, đáp ứng nhu cầu mua sắm linh hoạt của người tiêu dùng, chiến lược đa kênh được coi là ưu tiên hàng đầu đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Khi việc thu hút và giữ chân khách hàng trở nên khó khăn trước tình trạng chi tiêu hạn hẹp, các nhà bán lẻ cần tận dụng điểm mạnh và lợi thế của tất cả các hình thức bán lẻ. Việc tái tạo các kênh phân phối có thể sẽ tạo ra những thay đổi tích cực. Trong khi nền tảng trực tuyến có khả năng tiếp cận rộng rãi với các đối tượng khách hàng, các cửa hàng thực tế lại mang lại các giá trị vô hình từ trải nghiệm, đặc biệt đối với phân khúc cao cấp. Do đó, doanh nghiệp bán lẻ kỳ vọng rằng, các kênh này sẽ bổ trợ cho nhau và việc vận hành đa dạng các kênh bán hàng sẽ góp phần tối ưu hóa quy trình, tăng khả năng tương tác cũng như tận dụng tối ưu nguồn dữ liệu của khách hàng để có thể cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hiệu quả hay khuyến mãi cá nhân hóa dựa trên lịch sử mua sắm… Việc tạo ra một trải nghiệm mua sắm liền mạch, cũng như cho phép người tiêu dùng lựa chọn kênh họ yêu thích để nghiên cứu sản phẩm, mua hàng và nhận hàng sẽ thúc đẩy sự hài lòng và xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa khách hàng và thương hiệu. Nhận thức rằng sức chi tiêu yếu vẫn là một vấn đề lớn trong thời gian tới, 63,9% số doanh nghiệp trong ngành cho biết sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, thực hiện chính sách giá cạnh tranh, chương trình thành viên… để cải thiện sức mua. Điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả các chương trình khuyến mãi đều có hiệu quả. Do đó, doanh nghiệp cũng tiến hành các hoạt động nghiên cứu thị trường, ứng dụng công nghệ, dữ liệu để tìm hiểu sở thích và phản ứng của người tiêu dùng đối với các chiến lược quảng cáo khác nhau nhằm xây dựng một kế hoạch khả thi. Song song với đó, chú trọng đến kiểm soát chi phí để tối ưu lợi nhuận là một giải pháp quan trọng được doanh nghiệp bán lẻ chỉ ra trong năm nay. Với điều kiện thị trường còn nhiều khó khăn, hướng tập trung phát triển theo chiều sâu, tối ưu chi phí vận hành cửa hàng, tồn kho, danh mục hàng hóa và chi phí logistics, tiết kiệm và sẵn sàng cắt giảm chi phí hoạt động của những cửa hàng hoạt động không hiệu quả được cho là chiến lược mang tính thiết thực. Tác động từ những khó khăn trong giai đoạn vừa qua cũng ảnh hưởng phần nào đến nguồn vốn và chi phí dành cho việc tăng cường số hóa các hoạt động vận hành của doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, nhìn chung, các doanh nghiệp vẫn khẳng định, đây là xu thế tất yếu. Tuy có thể khiến chi phí tăng lên, song về lâu dài sẽ giúp các nhà bán lẻ cắt giảm chi phí và giảm rủi ro vận hành. Do đó, dù có tỷ lệ doanh nghiệp ưu tiên giảm 7,7% so với khảo sát năm ngoái, chiến lược này vẫn duy trì vị trí trong top 3 chiến lược trọng tâm của doanh nghiệp. Đáng chú ý, chiến lược nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, đẩy mạnh marketing nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong năm nay. 83,3% số doanh nghiệp bán lẻ tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết dự kiến tăng phân bổ ngân sách cho marketing nói chung (+14,1% so với năm trước). Trong đó, các hạng mục được nhiều doanh nghiệp dự kiến tăng chi tiêu nhất liên quan đến marketing kỹ thuật số (digital marketing), quản trị quan hệ khách hàng và trải nghiệm khách hàng. Với việc đẩy mạnh ưu tiên vào marketing, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo độ nhận diện thương hiệu cao hơn, tạo ấn tượng tích cực và tăng niềm tin từ phía khách hàng để thúc đẩy doanh số trong thời gian tới. Thực tế, kết quả phân tích Media Coding của Vietnam Report chỉ ra những chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông với ngành bán lẻ thời gian qua bao gồm: Hình ảnh/ PR/ Scandals; Sản phẩm; Giá; Tài chính/ Kết quả kinh doanh và Quản trị. Số liệu cho thấy nhóm chủ đề Hình ảnh/ PR/ Scandals được duy trì và có sự gia tăng trong ba năm trở lại đây. Ngược lại, nhóm chủ đề Sản phẩm mặc dù đứng vị trí thứ 2 trong top 5 nhóm chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông nhưng tỷ trọng giảm dần trong giai đoạn 2021-2023. Kết quả trên cho thấy đã có những thay đổi trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ trong các năm trở lại đây. Đầu tư hình ảnh trên truyền thông được các doanh nghiệp tập trung phát triển nhiều hơn trước thông qua các hoạt động quảng bá thương hiệu hướng đến cộng đồng. Hình 6: Top 5 nhóm chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông giai đoạn 2021-2023 Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Bán lẻ giai đoạn 2021-2023 Về chất lượng thông tin, doanh nghiệp được đánh giá là "an toàn" khi đạt tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%, tuy nhiên ngưỡng “tốt nhất” là trên 20%. Trong số doanh nghiệp được nghiên cứu có 56,7% doanh nghiệp đạt ngưỡng trên 20%; 66,7% doanh nghiệp đạt được mức 10%, giảm lần lượt 14,8% và 13,8% so với kỳ nghiên cứu của năm 2022. Những vụ việc liên quan tới lãnh đạo của một số doanh nghiệp lớn trong năm vừa qua đã phần nào kéo chất lượng thông tin của các doanh nghiệp ngành bán lẻ đi xuống trong năm 2023. Nhìn chung, trong bối cảnh còn nhiều ẩn số tác động đến tình hình kinh tế - xã hội, thị trường bán lẻ và vị thế của các nhà bán lẻ có thể sẽ còn nhiều biến đổi. Việc cạnh tranh bằng lợi thế cốt lõi, bắt nhịp nhanh với các thay đổi trong bức tranh tiêu dùng, tận dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ và điều chỉnh chiến lược tăng trưởng phù hợp với những xu hướng vận động của thị trường không chỉ đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn thấp điểm tiêu dùng mà còn định vị thành công của doanh nghiệp khi bước sang chu kỳ tiêu dùng mới. Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report được công bố từ năm 2017. Từ năm 2012, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) để tính điểm uy tín của các doanh nghiệp trên truyền thông. Kể từ đó đến nay, nhiều bảng xếp hạng Top 10 thuộc các ngành trọng điểm và có tiềm năng tăng trưởng cao của Việt Nam cũng đã được định kỳ công bố thường niên như: Bất động sản, Xây dựng, Công nghệ thông tin, Ngân hàng, Bảo hiểm, Dược, Du lịch, Logistics… Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được hai giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các nhà bán lẻ tại Việt Nam. Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về ngành Thực phẩm - Đồ uống được đăng tải trên các đầu báo có ảnh hưởng trong thời gian từ tháng 08/2022 đến tháng 07/2023. Các bài báo được phân tích và đánh giá ở cấp độ câu chuyện (story - level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn mã hóa (coding) dựa trên hai nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 05 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức - khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5). Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó. Nguồn: Vietnam Report
MediaMart tăng tiện ích cung cấp Bảo hiểm xe cơ giới điện tử cho khách hàng
Cuối tháng 3/2023, MediaMart ra mắt tiện ích cung cấp Giấy chứng nhận Bảo hiểm xe cơ giới điện tử cho khách hàng tại 350 siêu thị điện máy khắp 63 tỉnh thành toàn quốc. Tiện ích này ra mắt đáp ứng nhu cầu sở hữu Giấy chứng nhận Bảo hiểm xe cơ giới bản điện tử của người điều khiển phương tiện xe cơ giới, khi khách hàng dễ dàng sở hữu ngay Giấy chứng nhận chỉ trong một phút, lưu bản điện tử về điện thoại, và có thể xuất trình mọi lúc mọi nơi thay thế cho bản cứng. Khi cần tham khảo thông tin trong tình huống cấp bách, người điều khiển phương tiện có thể mở Giấy chứng nhận và xem ngay Hướng dẫn xử lý tai nạn và bồi thường được lưu từ trước tại email cá nhân hoặc qua các kênh mạng xã hội phổ biến như Zalo, Skype, Facebook messenger, … Hiện, MediaMart đang cung cấp Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe máy, và sẽ cung cấp Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc ô tô trong thời gian tới. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe máy là loại hình bảo hiểm bắt buộc dành cho chủ xe cơ giới tham gia giao thông, theo quy định của Nhà nước. Khi tham gia giao thông, người điều khiển xe máy phải luôn mang theo giấy chứng nhận và xuất trình nếu được yêu cầu. Nếu không xuất trình được giấy chứng nhận bảo hiểm sẽ bị phạt với mức tiền từ 100.000 VND – 200.000 VND. Đối tượng bảo hiểm phổ rộng là chủ xe cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam và Chủ xe cơ giới (Tổ chức/Cá nhân) là chủ sở hữu xe cơ giới hoặc được chủ sở hữu xe cơ giới giao chiếm hữu, sở dụng hợp pháp, điều khiển xe cơ giới. Chủ xe cơ giới có thể chọn sử dụng Giấy chứng nhận Bảo hiểm xe cơ giới cho xe Mô tô 2 bánh trên 50cc, mô tô 2 bánh dưới 50 cc, xe ba bánh và xe điện với chi phí chỉ từ 55.000 đồng (chưa VAT) cho thời hạn bảo hiểm 1 năm, thậm chí có thể tự chọn thời hạn bảo hiểm theo nhu cầu. >>> Chủ xe cơ giới có thể mua ngay Giấy chứng nhận Bảo hiểm xe cơ giới bản điện tử tại Hệ thống 350 siêu thị điện máy MediaMart (Xem tại đây). Đây là kết quả của việc hợp tác giữa Công ty Cổ phần Media Mart Việt Nam (MediaMart) và Công ty Cổ phần Thương mại Điện tử Bảo Kim (Baokim) trong thời gian qua. Theo đó, Baokim phát triển hệ thống thanh toán Bảo hiểm xe cơ giới và MediaMart triển khai cung cấp tiện ích hàng hóa số này tới đông đảo khách hàng thông qua hệ thống siêu thị điện máy rộng khắp toàn quốc. Anh Hoàng Thế Thanh – Giám đốc Baokim chia sẻ: “Hợp tác với MediaMart trong việc cung cấp hệ thống thanh toán và hàng hóa/dịch vụ số là chiến lược đường dài và mang lại hiệu quả cao cho Baokim. MediaMart qua việc hợp tác này cũng tận dụng được nguồn lực vốn có, nâng cao trải nghiệm khách hàng, gia tăng lợi thế cạnh tranh và nâng cao doanh số. Đây là xu thế tất yếu khi thanh toán số, dịch vụ số đã len lỏi vào ngóc ngách đời sống và đóng vai trò không thể thiếu trong giao dịch thường ngày".
Những lỗi vi phạm giao thông thường gặp và mức phạt người đi xe máy cần nẵm rõ
Khi lưu thông trên đường, nếu bạn là tài xế xe gắn máy thì nên nắm rõ các mức phạt lỗi vi phạm giao thông đối với xe máy để tránh bị phạt và đảm bảo an toàn cho mình lẫn người tham gia giao thông. Dưới đây là bảng tham khảo các lỗi thường gặp và mức phạt vi phạm giao thông mới nhất hiện nay được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Không đội mũ bảo hiểm Lỗi Điều khiển xe máy không đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy": Phạt tiền từ 200.000 –300.000 đồng. Chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mà cài quai không đúng quy cách: Phạt tiền từ 200.000 – 300.000 đồng. Chở quá số người quy định Người điều khiển xe máy chỉ được chở theo 01 người trên xe. Nếu chở theo 02 người trên xe sẽ bị phạt từ 200.000 đồng – 300.000 đồng; nếu chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi hoặc áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật thì không bị xử phạt. Chở theo 3 người trở lên trên xe: Phạt từ 400.000 – 600.000 đồng. Không có giấy tờ Điều khiển xe dưới 175cm3 (175 phân khối) không có Giấy phép lái xe (GPLX), sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa: Phạt tiền từ 800.000 đến 1.200.000 đồng. Đồng thời tịch thu GPLX không hợp lệ. Điều khiển xe từ 175cm3 trở lên không có GPLX, sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa: Phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng. Đồng thời tịch thu GPLX không hợp lệ. Không mang theo GPLX: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Không mang theo Giấy đăng ký xe: Phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe: Phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng. Sử dụng Giấy đăng ký xe bị tẩy xóa; Không đúng số khung, số máy hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp: Phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng. Đồng thời tịch thu giấy đăng ký không hợp lệ. Không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới: Phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng. Không tuân thủ đèn tín hiệu, biển báo, hiệu lệnh giao thông Vượt đèn đỏ hoặc đèn vàng khi sắp chuyển sang đèn đỏ: Phạt tiền từ 600.000 đến 1.000.000 đồng. Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng. Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông: Phạt tiền từ 600.000 đến 1.000.000 đồng. Điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi Điều khiển xe máy khi chưa đủ 16 tuổi: Phạt cảnh cáo. Từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô từ 50cm3 trở lên: Phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng Điều khiển xe máy chạy quá tốc độ Nếu chạy xe quá tốc độ quy định từ 5 - 10km/h: Phạt từ 200.000 - 300.000 đồng. Nếu quá tốc độ quy định từ 10 - 20km/h: Phạt tiền từ 600.000 - 1.000.000 đồng. Nếu quá tốc độ quy định trên 20km/h: Phạt từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng. Nếu chạy xe quá tốc độ gây tai nạn giao thông: Phạt tiền từ 4.000.000 – 5.000.000 đồng. Điều khiển xe chạy dưới tốc độ tối thiểu trên những đoạn đường bộ có quy định tốc độ tối thiểu cho phép: Phạt tiền từ 200.000 đến 400.000 đồng. Các lỗi dừng, đỗ, chuyển làn, chuyển hướng, đi vào đường cấm Không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố: Phạt từ 400.000 – 600.000 đồng. Chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước: Phạt tiền từ 100.000 –200.000 đồng. Chuyển làn đường nhưng không bật xi nhan: Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng. Chuyển hướng nhưng không giảm tốc độ hoặc không bật xi nhan: Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng. Quay đầu xe tại nơi cấm quay đầu xe: Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng. Dừng xe, đỗ xe trên cầu: Phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng. Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đường có biển "Cấm đi ngược chiều"; trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng. Đi vào đường cao tốc không dành cho xe máy: Phạt tiền từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng. Không có chứng nhận Bảo hiểm Xe máy bắt buộc Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận Bảo hiểm Xe máy bắt buộc còn hiệu lực: Phạt tiền từ 100.000 đồng – 200.000đ. >> Tham gia ngay Bảo hiểm xe máy bắt buộc qua Baokim Plus. Tới ngay hệ thống siêu thị Media Mart để tham gia. Điều khiển xe có nồng độ cồn Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa tới mức vi phạm quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng, giữ GPLX 1 tháng. Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 4.000.000 đến 5.000.000 đồng, giữ GPLX 2 tháng. Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 6.000.000 đến 8.000.000 đồng. Người không chấp hành yêu cầu kiểm tra chất ma túy, nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ: Phạt tiền từ 6.000.000 đến 8.000.000 đồng. Thay đổi và sử dụng phương tiện không đúng quy định Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định: Phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng. Sử dụng chân chống, vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy: Phạt từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng. Không sử dụng đủ đèn chiếu sáng khi trời tối hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều: Phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng. Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh: Phạt tiền từ 600.000 – 1.000.000 đồng. Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng. Điều khiển xe không có biển số xe: Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng. Tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký xe: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng (đối với cá nhân); 200.000 - 400.000 đồng (đối với tổ chức). Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe: Phạt tiền từ 800.000 – 1.000.000 đồng (đối với cá nhân); 1.600.000 – 2.000.000 đồng (đối với tổ chức). Các lỗi vi phạm nghiêm trọng Điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ gây tai nạn giao thông hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ: Phạt tiền từ 6.000.000 đến 8.000.000 đồng. Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn: Phạt tiền từ 6.000.000 đến 8.000.000 đồng. Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe, điều khiển xe bằng một bánh dùng chân điều khiển xe, ngồi một bên điều khiển xe, nằm trên yên xe điều khiển xe: Phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng. Để tránh mắc phải những lỗi trên khi tham gia giao thông, cá nhân mỗi người cần phải trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức về luật giao thông đường bộ. Ngoài ra, mỗi các nhân nên ý thức được trách nhiệm của mình để bảo vệ an toàn cho chính mình và người khác.